Hội chứng sốc độc khi sử dụng băng vệ sinh

Hội chứng sốc độc khi dùng băng vệ sinh dù hiếm gặp nhưng có thể gây chết người nếu không hiểu biết về nó và cách xử lý kịp thời.

Hội chứng sốc độc là gì?

Hội chứng sốc độc (toxic shock syndrome – viết tắt là TSS) là một bệnh hệ thống, có ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Hai loại vi khuẩn chính gây ra hội chứng này là Staphylococcus aureus và Streptococcus pyogenes – (sốc độc do Streptococcus vi khuẩn hiếm gặp hơn). Đây là những vi khuẩn có thể sản xuất chất độc. Ở một số người, cơ thể không thể chống lại độc tố khiến hệ thống miễn dịch có phản ứng gây ra các triệu chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Hội chứng sốc độc có thể xảy ra với bất cứ ai – những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em, nhưng thường gặp nhất ở các phụ nữ sử dụng băng vệ sinh. Hiện nay, hơn 1 nửa trường hợp sốc độc ghi nhận được là do phụ nữ sử dụng băng vệ sinh siêu thấm hút. Nguyên nhân xảy ra hiện tượng sốc nhiễm độc là do băng vệ sinh thấm hút quá nhanh, khiến môi trường âm đạo bị khô, tạo điều kiện cho vi khuẩn Staphylococcus aureus phát triển. Độc tố do vi khuẩn này sản sinh ra sẽ được hấp thu vào máu, gây nhiễm độc. Hiện tượng này cũng có thể xảy ra nếu bạn sử dụng tampon khi âm đạo đang bị viêm nhiễm lở loét.

Băng vệ sinh và tampon

Các dấu hiệu và triệu chứng của sốc độc

Các triệu chứng của TSS xảy ra đột ngột vì đây là căn bệnh gây ra bởi chất độc. Khi xảy ra TSS, nhiều cơ quan trong cơ thể người bệnh đầu bị ảnh hưởng.

Các dấu hiệu và triệu chứng của TSS bao gồm:

– Sốt cao (hơn 38,8°C)

– Tụt huyết áp nhanh (có cảm giác lâng lâng hoặc ngất xỉu)

– Phát ban bất cứ nơi nào trên cơ thể, bao gồm cả lòng bàn tay và lòng bàn chân.

– Nôn mửa hoặc tiêu chảy

– Đau cơ

– Mắt, miệng, cổ họng, và âm đạo sưng đỏ.

– Đau đầu, rối loạn, mất phương hướng, hoặc co giật

– Suy thận, suy hô hấp và một số cơ quan khác cũng bị suy giảm chức năng.

Thông thường, các triệu chứng sẽ xuất hiện cách 2-3 ngày sau khi nhiễm Staphylococcus hoặc Streptococcus. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi tùy theo mức độ bị nhiễm trùng.

Làm thế nào để phòng tránh?

Nguy cơ mắc TSS khi sử dụng BVS là ở mức thấp, nhưng có một số biện pháp làm giảm khả năng mắc TSS xuống thấp hơn nữa:

– Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và thành phần của BVS để lựa chọn loại phù hợp.

– Hạn chế sử dụng tampon và BVS siêu thấm hút, thay vào đó hãy sử dụng cốc nguyệt san phụ nữ, đặc biệt với những bạn có hiện tượng mắc TSS.

– Thay BVS thường xuyên 4 tiếng/lần để tránh sự sinh sản của vi khuẩn do sử dụng trong thời gian dài.

– Vệ sinh sạch sẽ vùng kín trong những ‘ngày đèn đỏ’.

– Khi thấy xuất hiện các dấu hiệu có liên quan đến TSS, nên nhanh chóng đến gặp bác sỹ để có biện pháp xử lý kịp thời.

 

(Theo Dan viet)