Chuyện “đến tháng” của phụ nữ luôn là một trong những vấn đề rất được quan tâm, không chỉ chị em mà ngay cả đấng mày râu khi thấy vợ/người yêu mình quằn quại trong những ngày ấy. Dưới đây là phần giải đáp thắc mắc của Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thúy Tươi – bác sĩ chuyên khoa sản về những vấn đề xung quanh chuyện kinh kỳ của phái yếu.
Kinh nguyệt là gì?
Kinh nguyệt chính là “mốc son” đánh dấu thời kỳ bắt đầu dậy thì của các bé gái. Khi dậy thì, bạn từ một bé gái ngây thơ, “trước sau như một” biến thành thiếu nữ phổng phao, cao lớn. Đó là do buồng trứng bắt đầu hoạt động, bài tiết hoóc môn, tác động vào lớp lót bên trong niêm mạc tử cung (gọi là nội mạc) để chúng biến đổi theo kiểu trồi lên, sụp xuống.
Sự biến đổi nội tiết này làm đứt mạch máu nơi đây khiến nội mạc tử cung không được nuôi dưỡng. Cơn co tử cung sẽ khiến nội mạc bong tróc và máu chảy ra ngoài lẫn những mảnh nội mạc.
Tại sao gọi là kinh nguyệt?
Kinh là máu và nguyệt là tháng. Bạn gái bình thường mỗi tháng có kinh một lần. Các nhà khoa học gọi từ lúc có kinh đến khi mãn kinh là “thời kỳ hoạt động sinh dục” của phụ nữ bởi có kinh là có thể có em bé và mãn kinh thì gần như hết trứng.
Phụ nữ có chu kỳ kinh đều đặn báo hiệu một sứa khỏe sinh sản tốt
Tại sao phụ nữ lại có kinh?
Mỗi tháng ở buồng trứng có một nang trứng chín, lớp áo trong của nang sẽ tiết ra estrogen làm tái tạo và dầy nội mạc tử cung.
Đến giữa chu kỳ, dưới ảnh hưởng của LH (Luteinizing Hormon) của tuyến yên, trứng thoát nang gọi là “rụng”, vỏ trứng chuyển sang màu vàng gọi là hoàng thể. Hoàng thể tiết progesteron tiếp tay với estrogen để nội mạc dầy lên, ứ nước và tiết dịch chứa glycogen.
Nội mạc tử cung dầy lên nhằm đón trứng đã thụ tinh về làm tổ. Nếu trứng không được thụ tinh thì nó teo lại, tan ra, còn hai hoóc môn thấy hết việc bèn không làm gì nữa. Nồng độ 2 hoóc môn trong máu giảm hẳn sẽ làm các mạch máu nuôi nội mạc tử cung co lại.
Lúc đầu, chúng co giãn nhịp nhàng, sau co nhanh hơn rồi thít chặt như ta buộc sợi chỉ rồi đứt và một lượng máu chảy ra, đọng dưới nội mạc. Mấy ngày sau nội mạc suy dinh dưỡng bắt đầu bị bong tróc từng phần, cơn co tử cung sẽ giúp đẩy máu ra ngoài tạo kinh nguyệt.
Vậy là máu kinh rất sạch?
Nói chính xác là vô trùng bởi nó là máu chảy trong lòng mạch ra. Đây là điều khiến các bạn gái yên tâm bởi lâu nay vẫn có người cho rằng máu kinh là “dơ dáy”.
Tại sao máu kinh không đông?
Máu chảy ra rồi đọng dưới nội mạc tử cung. Ban đầu chúng đông lại, sau đó chừng một ngày, chất pasminogen trong máu sẽ làm tan cục máu đông, máu trở thành lỏng và chảy ra ngoài, vì thế bạn thấy máu kinh không đông.
Thế tại sao thỉnh thoảng vẫn có máu cục?
Đó là do những cục máu đông chưa đủ thời gian tan ra đã bị đẩy ra ngoài. Khi ấy bạn thấy bụng chướng và có những cơn đau bụng dưới rất rõ.
Vì sao con gái lại bị đau bụng khi có kinh?
Muốn tống máu ra ngoài thì cơ tử cung phải co lại. Lúc này chất prostaglandin xuất hiện và gây ra đau bụng kinh. Mỗi lần cơ tử cung co thì prostaglandin lại tiết ra thêm một chút.
Vậy tại sao có người đau nhiều, người đau ít?
Prostaglandin tiết ra thì phải có kẻ tiếp nhận. Những kẻ tiếp nhận ấy được gọi là chất cảm thụ đặc hiệu (receptor). Mức độ hoạt động của những chất cảm thụ đặc hiệu ở mỗi người khác nhau. Có người chúng rất khoái chí thì cái đau dữ dội. Ở người khác chất tiếp nhận hững hờ thì chỉ đau nhâm nhẩm mà thôi.
Thế thì tại sao ở cùng một người, có tháng đau nhiều lại có tháng đau ít?
Kinh nguyệt chịu ảnh hưởng của yếu tố tâm lý. Nếu bạn đang căng thẳng trong kỳ thi, trong mối quan hệ gia đình, bè bạn thì cũng là yếu tố thuận lợi để chất cảm thụ đặc hiệu nhạy hơn với prostaglandin và làm bạn đau hơn.
Có người nói cứ lấy chồng thì hết đau bụng kinh là sao?
Điều này cũng… hơi hơi đúng trong một số trường hợp. Chúng ta biết đứng gác cửa âm đạo có màng trinh. Gọi là “màng” nhưng nó không bít kín như các bạn lầm tưởng. Mỗi màng có từ 3-6 lỗ nhỏ cho máu kinh đi ra.
Nếu bạn nào ra đời mà màng trinh chỉ có 1-2 lỗ bé tí thì khi có kinh cơ tử cung phải co thật mạnh mới đủ áp suất mà đẩy máu kinh ra ngoài. Co mạnh thì prostaglandin tiết ra nhiều và đau nhiều hơn. Khi bạn lập gia đình, quan hệ vợ chồng sẽ “khai thông” làm cho đường ra không bị bít nữa thì bạn hết đau thật.
Có người thấy kinh lần đầu đau bụng vật vã phải vào viện?
Có nhưng rất hiếm. Đó là những người có màng trinh bít kín, không có lỗ nào. Tử cung co nhưng máu không thoát ra ngoài. Khối máu kinh chừng 80-120 ml bị ứ lại gây đau kinh khủng như bà bầu đau đẻ và chỉ cần bác sĩ dùng đầu dao mổ rạch một đường nhỏ, máu có đường thoát là hết đau.
Nhiều người vật vã đau bụng ngày đèn đỏ
Lại có người sau khi lấy chồng, có con rồi mới bị đau bụng kinh và đau dữ lắm, là sao?
Trường hợp này phải gặp bác sĩ phụ khoa mới xác định rõ được. Có thể người này bị một bệnh gọi là “lạc nội mạc tử cung”. Những mảnh nội mạc như đã nói ở trên không theo máu kinh ra ngoài mà lại bị đẩy ngược lên buồng trứng, qua loa vòi rơi vào ổ bụng, có mảnh gắn vào bàng quang…
Khi nội mạc biến đổi trong chu kỳ kinh thì những mảnh đi lạc này cũng biến đổi như thế. Khi nội mạc chảy máu thì chúng cũng chảy máu nhưng máu không có đường thoát nên ứ lại gây đau.
Khi hết kinh những chỗ đi lạc trở thành mô sẹo và chu kỳ sau lại thế. Những người bị lạc nội mạc tử cung mỗi khi có kinh là một cực hình. Họ phải gặp bác sĩ phụ khoa, các bác sĩ dùng laser đốt hết những mảnh lạc đó thì mới đỡ đau được.
Tại sao có người đau bụng kinh kèm theo tiêu chảy?
Chúng ta biết cơ trơn tử cung được điều hành bởi hệ thần kinh tự động. Khi cơ trơn tử cung được phát động “co”, ruột là “láng giềng gần” chịu luôn tác dụng cũng co bóp nhiều hơn nên bạn bị tiêu chảy chừng 3-4 lần trong ngày. Hết kinh lại hết tiêu chảy. Bạn nào hay lo lắng ưu phiền thường bị tình trạng này.
Tại sao có người lại đau đầu trong ngày hành kinh?
Prostaglandin là một chất nội tiết. Khi tiết ra nó chạy luôn vào máu và theo dòng máu đến toàn thân, lên đầu gây đau đầu, đến lưng gây đau lưng. Có bạn than đau toàn thân và trở nên khó tính khó nết vô cùng.
Có mấy loại đau bụng kinh?
Thường đau bụng kinh chia làm 2 loại: Đau bụng kinh nguyên phát gặp ở các bạn mới dậy thì. Đau bụng kinh thứ phát: sau 3 năm đau bụng mà không hết. Thứ phát có thể gặp nếu bạn bị viêm nhiễm âm ỷ ở tử cung do vệ sinh kinh nguyệt không đúng hoặc các chị có gia đình vệ sinh sau giao hợp không tốt hay bị nhiễm những bệnh lây qua đường tình dục.
Vậy khi bị đau bụng kinh có nên uống thuốc giảm đau?
Nên. Chúng ta tìm ra thủ phạm gây đau thì dùng thuốc mà “đánh” nó. Có bạn hỏi: uống vậy có sao không? Bạn có thể yên tâm, thuốc vào cơ thể, làm xong nhiệm vụ “đánh” prostaglandin thì qua gan, được gan liên hợp với một chất khác rồi thải ra ngoài bằng đường phân và nước tiểu.
Có cách nào như ăn kiêng mà đỡ đau không?
Có, nghiên cứu của các nhà dinh dưỡng cho thấy: bạn nào bị đau bụng kinh thì trước khi có kinh 7-10 ngày, bạn giảm ăn chất đạm, đường, chất béo, tăng rau xanh sẽ bớt đau. Tại sao vậy? Bởi nguyên liệu để tổng hợp prostaglandin ít đi thì chúng làm sao mà bài tiết nhiều được.